Nhiều vị đại gia Việt đã rời ghế quản lý lên núi tu hay về ở ẩn sau khi kiếm đủ cả ngàn tỷ đồng cũng giống như cách mà tỷ phú Jack Ma từ chức chủ tịch điều hành Alibaba sau 20 năm thành lập.
Lên núi tu hành

Hiện ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen thường xuyên ở trên núi tập tu, mỗi tháng về một lần nhưng ông khẳng định vẫn theo dõi sâu sát mọi việc của Tập đoàn Hoa Sen.
Ông Vũ khẳng định: Tuy không thường xuyên xuất hiện nhưng ông vẫn nắm bắt mọi tình hình, phối hợp với ban điều hành và vẫn là người quyết định những vấn đề quan trọng của công ty. Ông muốn tập cho đội ngũ bên dưới cách tự vận hành, bởi theo ông, lãnh đạo tốt không chỉ giúp công ty tăng trưởng mà còn phải đào tạo thế hệ kế cận có tài, có tâm.

Ngoài ra, ông Vũ còn tuyên bố sẽ rút khỏi công ty vào năm 2026 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn Hoa Sen để thực hiện chí nguyện xuất gia của mình. Người đứng đầu Hoa Sen Group chia sẻ, ông có chí nguyện xuất gia, sống đời phạm hạnh từ năm 30 tuổi. Hiện ông không mưu cầu vật chất, bởi với ông, vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích.
Rút khỏi thương trường, trao quyền lực cho vợ

Cách đây không lâu, trên trang cá nhân của mình, ông Dũng “Lò Vôi” tuyên bố chính thức dừng việc kinh doanh kiếm tiền, chỉ tập trung vào công việc thiện nguyện bằng cách bán những tài sản mình đã tạo dựng trong hơn 40 năm qua để giúp đời, giúp người.
“Trên thương trường sẽ vắng bóng một Huỳnh Uy Dũng mà trên con đường thiện nguyện của đất nước sẽ có thêm một người thiện tâm, lấy việc giúp bá tánh làm niềm vui, niềm hạnh phú”, ông Dũng viết.

Theo đó, ông Dũng chuyển giao quyền lực lại cho vợ mình là bà Nguyễn Phương Hằng. Bà Hằng sẽ thay ông Dũng giữ chức Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Đại Nam.
Ông Dũng “Lò Vôi” được biết đến là một người hướng Phật. Ông thường xuyên ăn chay và làm các hoạt động thiện nguyện. Ông cũng là người không quá coi trọng tiền bạc dù đang nắm trong tay khối tài sản khổng lồ.
Mở quán cơm chay

Cách đây 10 năm, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Vndirect đã trao lại quyền điều hành cho con. Thời điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Giang sinh năm 1986, được bổ nhiệm làm tổng giám đốc khi mới 24 tuổi, trở thành CEO trẻ nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà chia sẻ trên báo chí rằng: “Tôi rất tiếc là gần 50 tuổi mới có thời gian để tìm hiểu bản thân, ý nghĩa của cuộc sống và sứ mệnh mỗi con người khi sinh ra đời”.

Sau đó, bà Hương ăn chay trường. Bà còn mở một cửa hàng thực phẩm hữu cơ và chay dưỡng sinh để truyền bá cho cách sống mà mình tâm đắc.
Say mê tìm hiểu về thực phẩm sạch, ăn chay dưỡng sinh và đạo Phật, vị chủ tịch chứng khoán quyết định mở một cửa hàng thực phẩm hữu cơ và quán chay dưỡng sinh phục vụ cho niềm đam mê và cũng để truyền bá một lối sống mới cho các bạn trẻ.
Lui về ở ẩn giao quyền cho con

Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP) đã thông qua quyết định giải thể công ty. Năm 2014, gần 193 triệu cổ phiếu ALP chính thức hủy niêm yết sau 7 năm giao dịch trên sàn chứng khoán. Tại thời điểm đưa ra quyết định hủy niêm yết, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Alphanam, cho biết những khoản lỗ kéo dài của công ty là do trích lập dự phòng khi các công ty con mua lại bị thua lỗ.
Sau khi rời “cuộc chơi” chứng khoán, ít người thấy bóng dáng của Alphanam trên thị trường tài chính nhưng lại thấy sự xuất hiện của hai nhân tố mới Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ.

Trong một phỏng vấn, ông Hải cho hay: “Các con được giữ các chức vụ từ bé đến lớn. Trong cách thức làm việc, nó phải chứng minh được với các chú, các bác là những “cây đa, cây đề” trong công ty và nó đã chứng minh được”.
Trong “group gia đình” con ông vẫn thường trao đổi việc nọ, việc kia thường xuyên nhưng chỉ đưa ý kiến, còn con ông có quyền quyết tất cả.
Theo Vietnamnet